Những biến chứng nào của đột quỵ mà bạn cần lưu ý?
Đột quỵ chính là tình trạng tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng hết sức nguy hiểm với sức khỏe vì có thể gây ra biến chứng nghiêm, trọng thậm chí khiến người bệnh mất mạng.
Ngày nay đột quỵ đã trở nên rất phổ biến, không chỉ ở người già mà còn ở người trẻ tuổi. Thế nhưng nhiều người còn chưa quan tâm đúng mức căn bệnh này, dẫn tới những nguy cơ khó lường. Sau đây là những biến chứng cụ thể mà đột quỵ có thể gây ra:
Viêm phổi
Do bệnh nhân đột quỵ phải nằm một chỗ lâu, dễ bị tai biến nuốt sặc nên tình trạng viêm phổi cũng dễ xảy ra. Lúc này bệnh nhân thở khó khăn, dễ bị ớn lạnh, lên cơn sốt, ho có đờm… Với bệnh nhân đột quỵ, đây là một tình trạng nhiễm trùng rất phổ biến.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tăng cao ở bệnh nhân đột quỵ. Các triệu chứng thường gặp như tiểu ra máu, nước tiểu đục, đau rát khi tiểu tiện, chuột rút ở vùng bụng dưới, đau vùng bụng dưới… Tình trạng khó tiểu cũng dễ xảy ra khiến người bị đột quỵ phải đặt sonde tiểu.
Động kinh
Các tế bào não có thể bị tổn thương khi tình trạng đột quỵ diễn ra. Điều này có khả năng dẫn tới co giật và động kinh. Hệ quả là não dễ thiếu oxy và bị tổn thương.
Phù não
Nào có thể bị sưng phù ở bên trong hộp sọ, khiến cho dòng chảy của oxy lên não trở nên khó khăn hơn. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn tới tụt não, khiến bệnh nhân nhanh chóng tử vong nên cần phải điều trị gấp.
Co cứng chi
Bệnh nhân đột quỵ cũng hay gặp phải tình trạng co cứng chi. Lúc này các cơ tay và cơ chân bị rút ngắn, tình trạng co cứng diễn ra làm người bệnh mất khả năng vận động và trở nên đau đớn. Vì thế sau cơn đột quỵ, bệnh nhân cần phải được luyện tập vận động sớm.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Tình trạng này thường xảy ra trước khi đột quỵ diễn ra và là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ. Ngoài ra sau khi bị đột quỵ, nếu bệnh nhân nằm một chỗ thì cũng dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Biện chứng do nó mang lại có thể nguy hiểm chết người. Cụ thể, cục máu đông dễ di chuyển đến não, tim, phổi gây tắc nghẽn, gây ra nhồi máu phổi, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim tái phát sớm.
Nhồi máu cơ tim
Nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng diễn ra ở những bệnh nhân đột quỵ do tình trạng xơ vữa động mạch não.
Trầm cảm
Bệnh nhân đột quỵ không chỉ gặp phải vấn đề về sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần. Cụ thể, họ sẽ lo lắng hơn dẫn tới trầm cảm. Sau khi đột quỵ, bệnh nhân thường cảm thấy buồn bã, trống rỗng, lo lắng kéo dài, cảm thấy bản thân vô dụng, mỏi mệt, không còn hứng thú với hoạt động hàng ngày, luôn trong trạng thái uể oải và ít năng lượng… Thậm chí có người còn tìm cách tự tử.
Gặp khó khăn khi nuốt
Gặp khó khăn khi nuốt cũng là một vấn đề mà bệnh nhân đột quỵ phải đối mặt. Cụ thể, họ dễ cảm giác thức ăn mắc kẹt lại trong cổ họng, khó nhai và cũng khó thở khi nuốt. Sau khi nuốt, thức ăn dễ trào ngược lên, và việc nuốt chất lỏng với bệnh nhân khó khăn hơn so với khi nuốt thức ăn dạng sệt.
Các biến chứng khác
Ngoài những biến chứng kể trên, người bệnh đột quỵ còn có thể gặp phải các vấn đề về bàng quang và ruột, mất trí nhớ, mất thị lực, mất khả năng ngôn ngữ, buồn nôn và nôn… Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng nặng hơn, không thể vận động, liệt nửa người hoặc rơi vào hôn mê. Đó là lý do mà người bệnh không được chủ quan với căn bệnh này.
Như vậy, đột quỵ là một căn bệnh rất nguy hiểm, đòi hỏi phải điều trị càng nhanh càng tốt mới có thể đảm bảo tỷ lệ sống sót. Bạn hãy phòng chống đột quỵ bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, luyện tập thể dục thể thao, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể…