Home » Sức khỏe » Thường xuyên khát nước có thể là dấu hiệu bệnh gì?

Thường xuyên khát nước có thể là dấu hiệu bệnh gì?

Nếu bạn thường xuyên lên cơn khát mặc dù đã uống nhiều nước thì đây là một triệu chứng bất thường, cho thấy dấu hiệu bệnh lý.

Thông thường khi ta lên cơn khát nghĩa là cơ thể đang cần bổ sung 1 lượng nước cần thiết. Lúc này bạn chỉ cần bổ sung nước là được. Tuy nhiên khi tình trạng bài tiết nước tiểu tăng lên không rõ nguyên nhân do cơ thể bất thường, hoặc giảm tiết nước bọt gây ra tình trạng khô miệng, thì bạn sẽ dễ cảm thấy khát quá mức dù đã uống nước. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, gây ảnh hưởng không tốt tới cơ thể.

Sau đây là một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng trên:

Đái tháo đường

Người bình thường trong vòng 24 giờ sẽ đi tiểu từ 4 đến 7 lần, nhưng số lần đi tiểu sẽ tăng lên nếu họ mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân là vì căn bệnh này khiến cho hàm lượng Glucozơ trong máu tăng cao, làm thận không thể hấp thu được hết. Khi đó cơ thể buộc phải tạo ra nhiều nước tiểu hơn mới có thể thải được glucozơ ra ngoài và điều hòa lượng đường trong máu. Tiểu nhiều khiến cho cơ thể bị mất nước và dễ khát. Bên cạnh đó, bệnh nhân đái tháo đường còn có thể xuất hiện các triệu chứng như mắt mờ, mau đói, mệt mỏi, các vết thương trên cơ thể chậm lành…

Đái tháo nhạt

Khi cơ thể bị rối loạn khả năng cân bằng nước thì đó là bệnh đái tháo nhạt. Căn bệnh này xảy ra khi thận không còn khả năng giữ nước nên người bệnh đi tiểu nhiều. Càng đi tiểu nhiều, người bệnh càng khát và muốn uống nhiều nước hơn. Dù vậy tình trạng mất nước vẫn sẽ xảy ra. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo nhạt còn bị khát nước nhiều vào ban đêm, dẫn đến nhu cầu tiểu đêm tăng, gây ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ.

Thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh cần thiết trong cơ thể. Khi thiếu máu nhẹ thì bạn không khát quá nhiều. Nhưng nếu thiếu máu nặng xảy ra, người bệnh sẽ khát nước dữ dội đi kèm các triệu chứng khác như đổ mồ hôi nhiều, mạch đập nhanh, kiệt sức, chóng mặt… Tình trạng thiếu máu có thể do bệnh lý, chấn thương, lối sống hoặc bẩm sinh gây ra.

Tác dụng phụ của thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic là một loại thuốc ngăn các tác động xấu của acetylcholin, một chất dẫn truyền thần kinh. Đây là loại thuốc nhằm điều trị những bệnh lý như bàng quang tăng hoạt, phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh Parkinson, rối loạn tiêu hóa… Một số tác dụng phụ khác của nó bao gồm khó đại tiện, mắt nhìn mờ, buồn ngủ… Người dùng thuốc cũng giảm tiết nước bọt và khô miệng, dẫn tới khát nước.

Một số tình trạng khác

Ngoài các định lý kể trên, cơ thể thường xuyên khát nước cũng có thể liên hệ tới tình trạng tăng canxi máu, hội chứng sjogren, khát tâm lý, cường aldosteron nguyên phát…

Tăng canxi máu nghĩa là nồng độ canxi trong máu tăng lên trên mức bình thường. Đây là hệ quả của tình trạng tuyến cận giáp hoạt động quá mức, hoặc cũng có thể do ung thư, u hạt, bệnh lao… Tăng canxi máu khiến cho người bệnh khát nước dữ dội, gây đau bụng, đi tiểu thường xuyên, yếu cơ, táo bón, mệt mỏi và rối loạn nhịp tim…

Còn khát tâm lý lại là tình trạng xuất hiện khi ADH bị ức chế bất thường, khiến người bệnh phải uống nhiều nước để làm dịu cơn khát do tình trạng đó gây ra.

Hội chứng Sjogren là một căn bệnh tự miễn khiến cơ thể ngừng tạo nước bọt, làm người bệnh bị khô miệng, khiến nhu cầu uống nước tăng lên.

Cuối cùng, hội chứng cường aldosteron nguyên phát là tình trạng aldosteron được sản xuất ra quá nhiều. Nó khiến cho nồng độ kali trong máu hạ xuống, cơ thể ít hấp thu nước mà thải ra ngoài nhiều hơn, dẫn tới đa niệu và làm người bệnh khát nước.

Nhìn chung, khát nước một thời gian dài không khỏi cho thấy những vấn đề nghiêm trọng của cơ thể. Vì thế, tốt nhất bạn hãy tìm đến cơ sở chuyên khoa để nghe tư vấn từ phía chuyên gia giàu kinh nghiệm. Từ đó, bạn mới có thể được bác sĩ cung cấp hướng điều trị thích hợp!

 

 

 

 

  |   26/07/2022